Thư gửi các bạn trẻ Việt Nam !
Bạn đang cầm trên tay cuốn “Khuyến học”, một tác phẩm mà tất cả các bạn trẻ đều cần để tạo dựng ý thức tinh thần công dân, phát xuất là công dân quốc gia và tột cùng là công dân toàn cầu. Với ý thức cao độ về trách nhiệm công dân ấy bạn sẽ thấu hiểu và quán triệt những bài học lớn từ những cuốn sách khác trong Tủ sách đổi đời mà Tôi tâm huyết, cẩn trọng chọn lựa để trao tận tay tặng bạn. Đó là bài học về khát vọng và dũng khí từ “Nghĩ giàu, làm giàu”, “Không bao giờ là thất bại. Tất cả là thử thách” và những kinh nghiệm quý báu về sự kết nối và ảnh hưởng đến người khác trong “Quốc gia khởi nghiệp” và “Đắc Nhân Tâm” giúp hoàn thiện bản thân, tạo nguồn cảm hứng cho bạn trên lộ trình Sáng Tạo – Khởi nghiệp – Kiến Quốc.
Trong chúng ta, ai cũng biết Nhật Bản là cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới chỉ trong một thời gian ngắn từ hoang tàn của chiến tranh, dẫn đầu thế giới ở rất nhiều lĩnh vực, sở hữu sức mạnh kinh tế và sức mạnh khoa học kỹ thuật vượt trội, những thương hiệu đi khắp toàn cầu không hề thua kém phương Tây: Toyota, Sony, Honda, Panasonic…hàng hóa của Nhật hiện diện trong nhiều gia đình ở mọi nơi trên thế giới, biên giới của nước Nhật đã không còn giới hạn trong phạm vi biên giới vùng lãnh thổ.
Đối mặt thảm họa bị tàn phá kinh hoàng bởi thiên tai khép động đất và sóng thần năm 2011, thế giới lại được nhìn thấy tầm vóc của bản lĩnh dân tộc Nhật qua tinh thần tự cường, bình tĩnh đối diện với thiên tai, việc trật tự xếp hàng rất kỷ luật, nhường nhìn đùm bọc lẫn nhau…cùng vượt qua nghịch cảnh. Hành động này, nước Nhật đã được sự nể trọng, đánh giá rất cao của cộng đồng thế gới về tinh thần dân tộc, sự trưởng thành trong tính cách của một dân tộc vĩ đại.
Đã có nhiều sách và nhiều nhà nghiên cứu nêu lên những lý giải làm nên thành công của dân tộc Nhật, nhưng từ đâu và ai đặt nền tảng vững chắc cốt lõi cho tất cả các thành công đó?
Tư tưởng đúng dẫn đến hành động đúng
Chính Fukuzawa Yukichi với tác phẩm Khuyến học là nền tảng trung tâm khai sinh ra nước Nhật hiện đại trong bối cảnh toàn bộ các nước châu Á trong khu vực u tối không có hướng phát triển, chìm đắm vào những tư tưởng phong kiến Nho giáo cổ hủ, lỗi thời. Cá nhân ông đã đặt nền móng tư tưởng cho sự trưởng thành của dân Nhật, nền tảng cho các thành tựu kinh tế của người Nhật. Hệ tư tưởng của ông được trình bày một cách hệ thống và dễ hiểu qua sách Khuyến học mà các bạn đang cầm trên tay. Khuyến học viết cho người Nhật vào những năm 1870, sau một thời gian ông đi sang các nước phương Tây quan sát thành tựu về văn hóa, kinh tế và xã hội. Cuốn sách chứa đựng giá trị cốt lõi: tinh thần độc lập cá nhân, chí tự cường dân tộc, kết dân tộc thành một mối làm nền tảng cho nước Nhật hùng mạnh.
Phương Tây khi đó đang muốn biến toàn bộ châu Á thành thuộc địa, Fukuzawa Yukichi nhận thức rõ nguy cơ Nhật Bản sẽ trở thành một nước thuộc địa bởi nguyên nhân “đáng buồn là nước ta chỉ có người Nhật mà không có Quốc dân Nhật”, nên ông đã khởi xướng tinh thần – Độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân – độc lập cá nhân về tư duy, về trách nhiệm của mỗi người dân đối với vận mệnh của dân tộc. Bởi lẽ đối với ông, người dân không có chí khí tự cường, đua tranh, không có tinh thần dẫn dắt thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn, vô trách nhiệm.
Chính cái Tinh thần quốc dân, khát vọng dân tộc hùng mạnh được Fukuzawa Yukichi nêu lên trong tác phẩm Khuyến học cùng với đức tin về dân tộc Nhật Bản là con cháu của Nữ Thần Mặt Trời đã tạo nên một thế hệ dân tộc đầy chí khí để vượt qua mọi nghịch cảnh, thử thách bên trong lẫn bên ngoài, làm nên sự thần kỳ của nước Nhật như chúng ta đã thấy. Nổi bật trong đó là “Tinh thần thoát Á nhập Âu” cộng với “Tinh thần đua tranh với phương Tây và vượt mặt phương Tây”.
Tinh thần Thoát Á Nhật Âu
Trong Khuyến học, ông dám dũng cảm đưa ra những quan điểm mang tính chất khai sáng về tư tưởng cho người dân Nhật. Ông đã thoát ra khỏi tâm lý bầy đàn, phá bỏ và thoát ra khỏi sự ảnh hưởng những lề luật cổ hủ của Nho giáo hàng nghìn năm tại nước Nhật khi ông viết “Trời không tạo ra người đứng trên người”, “đừng tin những lời nói bậy của Chu Tử” và “không phải tất cả mọi điều trong Luận Ngữ đều đúng”, bỏ đi những rào cản về thiết chế hạ tầng kìm hãm sự tiến bộ xã hội, kinh tế và tri thức cho người dân Nhật để học tập và du nhập có chọn lọc các thành tựu trong mọi lĩnh vực của các nước phương Tây thời bấy giờ.
Ông chủ trương mạnh mẽ học tập, tiếp thu học hỏi áp dụng có chọn lọc những thành tựu quản lý xã hội, quản lý kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục…của các nước phương Tây. Trong quá trình học hỏi, người Nhật bổ sung sáng tạo 02 hệ tư duy: tư duy logic, hệ thống và tư duy thực dụng ứng dụng trong kinh tế và chính trị. Nước Nhật thời bấy giờ tư duy lại về động cơ học tập, giúp học thay đổi não trạng từ đi học để làm quan, vinh thân phì gia bằng động cơ học vì lợi ích của quốc gia dân tộc, học vì sự hùng mạnh của quốc gia, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Sẵn sàng phá bỏ những điều đã từng làm nên thành công trong quá khứ nhưng hiện tại là những rào cản, không còn phù hợp với thời cuộc để tiếp tục học tập những cái mới hơn của thế giới.
Chính từ nền tảng này, Nhật Bản đã thiết kế xây dựng lại toàn bộ thiết chế cơ sở từ thượng tầng cấp quản lý nhà nước đến hạ tầng kiến trúc vật chất, tạo đà cho sự phát triển của Nhật Bản đến tận ngày hôm nay.
Tinh thần đua tranh với phương Tây và vượt mặt phương Tây
Không chỉ học tập chọn lọc mọi thành tựu của phương Tây, trong Khuyến học, Fukuzawa Yukichi nêu lên tinh thần dám đua tranh với các nước phương Tây về kinh tế, khoa học kỹ thuật, hun đúc cho người dân Nhật một tinh thần Doanh Thương, một ngạo khí đua tranh vượt mặt chính những cường quốc phương Tây đã tạo nên một loạt tập đoàn hùng mạnh quy mô trên toàn cầu.
Chính tinh thần dám lấy các nước phương Tây làm đối trọng, làm mục tiêu đua tranh để vượt lên là động lực để thúc đẩy kinh tế, khoa học kỹ thuật Nhật Bản phát triển thành một cường quốc.
Lập chí vĩ đại và Cội nguồn dân tộc Việt
Một quốc gia phát triển đi lên phải có 05 yếu tố: vị trí địa lý (bao gồm tài nguyên), diện tích, quy mô dân số, thiết kế hạ tầng và dân khí. Nước Việt ta có những điều kiện lý tưởng ở 03 yếu tố đầu tiên.
Trong truyền thuyết của người Việt, Rồng là biểu tượng của sức mạnh, là chúa tể của các loài. Trong văn hóa phương Đông, Rồng là biểu tượng uy quyền tối thượng. Và trong văn hóa nghệ thuật dân gian, Rồng là biểu tượng của những anh hùng mang hoài bão cứu nước giúp dân. Trong văn hóa phương Tây, Rồng là một sinh vật to lớn và đầy sức mạnh, biểu tượng luôn song hành với tinh thần khám phá, chính phục đầy uy lực.
Dân tộc Việt chúng ta là Con của Rồng Tiên, đừng quên chúng ta có nguồn cội là Rồng Tiên. Vậy mà trong 4000 năm qua, dân tộc ta đã hy sinh và đổ biết bao xương máu nhưng trong tiềm thức của dân tộc chỉ dừng lại ở trạng thái “dựng nước và giữ nước”. Đây là thời khắc thứ ba, thời khắc chúng ta hãy cùng nhau lập Chí Tự Cường – Chí Đua Tranh – Chí Dẫn Dắt và Chí Vĩ Đại. Dân tộc ta phải Vĩ Đại và nhất định sẽ Vĩ Đại, dân tộc ta phải xứng đáng là Con của Rồng Tiên, đúng phẩm chất Con của Rồng Tiên. Đúng với phẩm chất vĩ đại của dân tộc Việt.
Mỗi cá nhân người Việt chúng ta phải cùng nhau xác định và trang bị trong tâm thế và não trạng của mình một cách mạnh mẽ Tinh thần Chiến Binh, Tinh thần Kiến Quốc – Lập Nghiệp và Tinh thần Sáng Tạo, tâm thế tự cường, đua tranh, và vượt lên dẫn dắt như biểu tượng đầy uy quyền của Rồng.
Khi cùng nhau, không gì là không thể!
ĐẶNG LÊ NGUYÊN VŨ – NHÀ SÁNG LẬP, CHỦ TỊCH TẬP ĐOÀN TRUNG NGUYÊN